Những bước chân hạnh phúc

Những bước chân hạnh phúc
Ngày đăng: 28/06/2023 04:35 PM

Sau di chứng của bệnh phong, 8 năm qua, bà Nguyễn Thị Em, 62 tuổi, Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, phải đi trên chiếc chân giả. Chiếc chân này giúp bà có thể di chuyển dễ dàng, tự chăm sóc và cảm nhận bản thân sống thật có ích.

Các thành viên Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoà nhập điều chỉnh những chiếc chân giả cho vừa vặn để bệnh nhân phong di chuyển dễ chịu nhất.

 

Bùi ngùi nhớ lại quãng thời gian mới phát hiện mắc bệnh phong, bà Em tâm sự: "Trước đây tôi thấy đau chân nhưng chỉ thăm khám qua loa. Sau mấy năm thì đi lại khó khăn hơn, rồi tình cờ được các bác sĩ tại Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội (nay là Bệnh viện Mắt - Da liễu) thăm khám thì mới phát hiện bị bệnh phong".

“Ngày mổ cắt chân, tôi hoang mang lắm, nhưng được các bác sĩ động viên, rồi sau thời gian được các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt - Da liễu kết nối, được gắn chân giả nên cuộc sống tôi khá hơn. Dẫu đi lại không bình thường như trước nhưng nhờ có chân giả nên không phải chống nạng, lại có thể làm được công việc nhẹ nhàng như trồng và chăm sóc vườn rau. Nhờ có sự kết nối từ Bệnh viện Mắt - Da liễu, của các anh chị ở Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoà nhập, những bệnh nhân phong bị mất một chân, hai chân mới có cơ hội được lắp chân giả, đi lại không phải dìu, đỡ, chúng tôi thấy cuộc sống của mình có ích hơn”, bà Nguyễn Thị Em cho biết thêm.

Cũng bị mất chân do ảnh hưởng từ căn bệnh phong, ông Nguyễn Văn Triệu, 82 tuổi, Ấp 11, xã Thới Bình, huyện Thới Bình, phải sử dụng chân giả. Hôm nhận thông báo của Bệnh viện Mắt - Da liễu về thời gian tập trung đến bệnh viện để được cấp chân mới, ông mừng lắm. Chân cũ, vớ đã cũ nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nay được thông tin đổi chân mới nên từ sáng sớm ông Triệu đã đón xe buýt đến đây nhờ đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoà nhập đo và cấp lại chân mới.

"Bao nhiêu năm nay, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải tự làm do con cái có gia đình riêng và đi làm ngoài tỉnh. Nếu không được lắp chân giả, không biết sinh hoạt cá nhân của mình phải làm sao", ông Triệu bồi hồi chia sẻ.

Hàng năm, Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoà nhập sẽ có chuyến hỗ trợ lắp chân giả cho bệnh nhân phong tại tỉnh Cà Mau. Năm 2022, có 18 trường hợp được sửa chữa, lắp chân mới. Theo Y sĩ Trần Mộng Long, Bệnh viện Mắt - Da liễu Cà Mau, mỗi năm có khoảng 18-20 bệnh nhân phong được Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoà nhập hỗ trợ sửa chữa, lắp chân mới và hỗ trợ tiền tàu xe để bệnh nhân phong đến Bệnh viện Mắt - Da liễu thực hiện. "Phần lớn những bệnh nhân phong đều có hoàn cảnh khó khăn, nên việc hỗ trợ từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoà nhập đã phần nào xoa dịu nỗi đau, sự mất mát đối với bệnh nhân phong", Y sĩ Trần Mộng Long chia sẻ.

Những chiếc vớ mới, những chiếc chân giả được các thành viên Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoà nhập đo đạc, hoàn chỉnh vừa vặn và trao tận tay từng bệnh nhân phong bằng tất cả tình yêu thương. Chỉ vỏn vẹn trong buổi sáng chứng kiến những đôi chân, bàn tay không còn nguyên vẹn của bệnh nhân phong nhưng ánh mắt vẫn sáng lên niềm vui, có thể cảm bên trong những cơ thể khuyết tật, mất mát là một trái tim khao khát được yêu thương, là khát vọng vượt qua số phận, là ước vọng về sự no đủ, bình an. Chính những vòng tay dang rộng của cộng đồng đang trở thành động lực để những bệnh nhân phong có quyền ước vọng về ngày mai tươi đẹp hơn./.

Trích nguồn: Báo Cà Mau.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline